|
Một số trò chơi chỉ đơn thuần mang tính giải trí cho qua thời gian. Nhưng cũng có những trò làm người ta phải nhớ mãi, dù đã chơi xong từ rất lâu. Đối với bản thân người viết, Call of Duty (CoD) là một trong những game như vậy. Đây chỉ là một game bắn súng thuần túy, dạng chơi dễ gây nhàm nhất và cũng dễ khiến người ta mau... quên nhất sau khi chơi xong; Mặt khác, với đề tài Thế Chiến II không có nhiều lợi thế về cốt truyện và nhân vật. Nhưng chắc rằng, ai đã từng chơi qua hai phần CoD trước đều không thể quên những giây phút hào hùng cùng sự phấn khích của game. Khi chơi CoD, người chơi được “bao trùm” cảm giác đang “chiến đấu” thực sự cho một mục đích, lý tưởng. Đó chính là nét khác biệt giữa CoD với những game bắn súng cùng đề tài. Mọi người hầu như ai cũng trông chờ vào phần hai của game. Và khi CoD2 ra mắt, một lần nữa Infinity Ward đã không làm thất vọng người chơi. Những trận đánh, chiến trường, chiến sĩ mới cùng với những công nghệ mới... tiếp tục “lôi kéo” người chơi trở lại chiến trường vào 60 năm trước, khi Thế Chiến II bước vào giai đoạn nóng bỏng và khốc liệt nhất... “Băng qua lửa đạn chiến tranh”, CoD2 sẽ giúp bạn hiểu tường tận cảm giác đó như thế nào!
Từ lâu “sở trường” của dòng game CoD là đặt người chơi vào chiến trường khốc liệt và đối đầu với những tình thế cam go. Với CoD2, nét nổi bật dễ nhận thấy nhất chính là sự khốc liệt gần như đã được nhân đôi so với hai phần trước. Đến nỗi, dù bạn có là một tay súng “đầy mình” kinh nghiệm, bị “chết” nhiều lần trong game cũng là chuyện bình thường.
Muốn cho người chơi thấy “lửa đạn chiến tranh” khốc liệt như thế nào, CoD2 đã đầu tư kỹ lưỡng cho từng màn chơi: từ cách sắp xếp nhiệm vụ, bố trí lực lượng đối phương cho đến địa hình, sao cho mỗi màn chơi đều khó khăn như thể là màn... cuối cùng. Đối thủ luôn xuất hiện với số lượng áp đảo và hỏa lực của chúng phát huy tối đa, chỉ không cẩn thận một chút là bạn sẽ “ăn đạn” ngay lập tức. Vì vậy, muốn hoàn thành nhiệm vụ là một điều không dễ dàng chút nào. Đạn bay xẹt ngang tai, đạn găm phầm phập vào mô đất trước mặt, có lúc bạn phải nhích từng chút để tới chỗ nấp kế tiếp dưới làn đạn đối phương, đúng theo nghĩa “mỗi thước đất là phải đổ bao nhiêu máu”. Nếu không có tính quyết đoán và thêm một chút kỹ năng chơi game bắn súng, chắc chắn bạn sẽ phải mệt mỏi với sự ác liệt mà game thể hiện. Đôi lúc khi chơi, chỉ cần nhanh tay và quyết đoán trong vài giây là bạn thoát được 1 lần tử trận. Chẳng hạn, “bụp” tên lính Đức trước khi hắn nắm được khẩu đại liên, hoặc dũng cảm xông lên chiếm vị trí thuận lợi để đồng đội kịp ào lên, v.v...
Trong CoD2, lằn ranh giữa sống - chết thực sự chỉ cách nhau gang tấc. Để tăng thêm độ thật của tính khốc liệt trong chiến trường, đối thủ rất hay sử dụng thứ vũ khí nguy hiểm là lựu đạn. Giờ đây, bạn không thể an tâm khi nấp sau những chiếc thùng, bàn ghế hoặc dưới công sự nữa, nếu thấy bạn trốn quá lâu, đối thủ sẽ khiến bạn chạy “bán sống” bằng những quả lựu đạn. Cũng may, game luôn có một ký hiệu chỉ hướng của trái lựu đạn (grenade indicator) để bạn có thể tránh. Vừa nhắm bắn cho chính xác, tránh đạn, vừa phải chạy tránh lựu đạn trong khi trước mặt còn cả chục đối thủ, tất cả những hành động đó sẽ mang đến cho bạn cảm giác chân thực, khốc liệt nhất về sự nóng bỏng của chiến trường. Chưa hết, để thêm phần hấp dẫn, game “tước đoạt” luôn quyền lưu game nhanh (quick save). Giờ đây, bạn phải tuân thủ luật chơi: máy sẽ tự động lưu (autosave) vào những thời điểm định sẵn.
CoD2 đã “vứt bỏ” một yếu tố tưởng như không thể thiếu trong các game bắn súng: cột máu của nhân vật. Mỗi khi bị trúng đạn, nhân vật của bạn sẽ bị “hoa mắt”, tim đập loạn nhịp và gần như không thể bắn trả đối phương, lúc này bạn cần mau chóng tìm chỗ ẩn nấp để hồi phục, khi ấy chỉ cần thêm một viên đạn nữa là bạn sẽ “lên đường” ngay. Đặc điểm này giúp bạn tập trung hơn khi chiến đấu, không bị phân tâm theo dõi cột biểu thị sự sống và mất công tìm kiếm những bình cứu thương. Theo người viết, nét mới này làm cho game thêm phần hấp dẫn.
Phát huy truyền thống, CoD2 tiếp tục đem đến cho người chơi sự phấn khích và cảm giác “thực” với những chiến trường đa dạng cả về địa hình lẫn thời tiết, những trận đánh nổi tiếng, có thể bạn đã từng chứng kiến qua các bộ phim về Thế Chiến II. Từ những cuộc “đụng độ” với phát xít Đức trên đường phố ngoại ô Matxcơva ngập tuyết, hay những trận đấu tăng nảy lửa trên sa mạc nắng gắt ở Bắc Phi..., màn chơi nào cũng mới mẻ, đa dạng và không kém phần gay go ác liệt. Trong số đó, theo ý kiến riêng thì 3 màn chơi “đáng giá” nhất mà bạn không thể bỏ qua đó là: màn tử thủ trước đợt tổng tấn công của quân Đức vào Stalingrad, màn đánh chiếm mỏm đá Point Du Hoc trong ngày D-Day, và màn đánh boong ke trên đồi 400. Đây là 3 màn chơi tiêu biểu cho “phong cách Call Of Duty”: tái hiện những trận đánh lớn nổi tiếng, đối phương đông như “kiến” tràn đến từ mọi phía, thử thách “trình độ” của người chơi. Cách phân bố các màn chơi theo hệ thống trường đoạn, CoD2 không có màn kết thúc nên bạn đừng trông đợi vào màn cuối hoành tráng như trong hai phiên bản trước.
Đúng như đã hứa hẹn, Infinity Ward tiếp tục thể hiện “thiện chí” đối với các gamer không có điều kiện sắm sửa: chỉ cần một cỗ máy “tàng tàng” bậc trung, bạn cũng có thể chạy CoD2 một cách trơn tru, hỗ trợ mọi dòng card màn hình phổ thông. Đối với những máy yếu, người chơi có thể chọn cách dựng hình bằng DirectX 7.0, nhờ đó có thể vô tư thưởng thức game mà chẳng phải lo sợ những tình huống giật hay treo máy. Nếu sở hữu một dàn máy “kha khá”, bạn nên bật sang chế độ dựng hình bằng DirectX 9.0 để “thưởng thức” những hiệu ứng cao cấp rất “tân thời”. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt vượt trội về đồ họa của CoD2 so với 2 phiên bản trước: từng nếp nhăn trên chất liệu vải của bộ quân phục, ánh nắng phản chiếu ánh thép của khẩu súng trên tay, hiệu ứng phủ mờ (blur) ngoại cảnh cực kỳ đẹp mắt (rất giống với hiệu ứng blur của dòng game Brother In Arms)... Nhưng thật tiếc, game chưa ổn định ở mặt hình ảnh: trên một số máy chúng tôi thử nghiệm (dùng card màn hình Geforce 6600, RAM 1GB), khi bật chế độ dựng hình bằng DirectX 9.0 game lập tức báo lỗi lúc nạp màn chơi. Trong khi với một số máy có cấu hình tương tự, game lại chạy rất mượt không gặp vấn đề gì (hiện tượng này chỉ xảy ra đối với một số màn chơi nhất định).
Về phần âm thanh, nhìn chung game vẫn giữ được “phong độ” ổn định như ngày nào: nhạc nền hoành tráng, phù hợp. Kết hợp với tiếng súng liên hồi, tiếng nổ long trời lở đất và tiếng la thét..., các tiếng động được lồng vào nhau rất tốt. Tất cả điều đó tạo ra một chiến trường thu nhỏ ngay trong căn phòng của bạn. Nếu như trong phần trước, K98 là khẩu súng rất được nhiều người ưa thích bởi tiếng nổ đanh gọn, mạnh mẽ thì trong CoD2, tiếng nổ của khẩu súng này kém rất nhiều. Cũng may là ngoài K98, tất cả những loại súng khác âm thanh thể hiện rất tốt khi bạn siết cò.
Ngoài những khuyết điểm về âm thanh và hình ảnh kể trên, CoD2 vẫn còn những hạn chế rất đáng tiếc khác mà người chơi có thể dễ dàng nhận ra. Đầu tiên là việc bỏ khả năng “chạy nhanh” của nhân vật. Vì vậy, khi gặp tình huống cần thiết như chạy đi lượm đạn, quăng lựu đạn khói hay chạy băng qua làn đạn của đối phương, bạn sẽ rất bực mình khi nhân vật cứ “ì ạch” với một tốc độ duy nhất. Với phần chơi mạng, điều này càng gây khó chịu gấp bội, nhất là trong tình huống bạn phải nhanh chóng rời bỏ hiện trường gây án mạng. Mục chơi mạng hầu như không có đột phá, mới mẻ nào so với các phần trước, số màn lại quá ít ỏi và gần như lặp lại.
Bỏ qua một vài “hạt sạn” nhỏ như trên, CoD2 tiếp tục chứng minh vai trò “anh cả” của dòng game bắn súng đề tài Thế Chiến II. CoD2 có thể làm hài lòng tất cả các fan, dù là “gạo cội” hay là một “lính mới”. “Nếu ta không kết thúc chiến tranh, chiến tranh sẽ kết thúc ta” - hãy xông lên phía trước dù lửa đạn có dữ dội đến mức nào. Nhưng, hy vọng với Infinity Ward, các trận chiến trong game vẫn... chưa kết thúc, để chúng ta có thể trông chờ vào phần tiếp theo của dòng game xuất sắc này. Bởi chắc chắn, ai cũng muốn tiếp tục bị cuốn theo “tiếng gọi của những nhiệm vụ cao cả” nơi chiến trường rực lửa.
GAME INFORMATION Phát triển: Infinity Ward Phát hành: Activision Ngày phát hànH: 25/10/2005 Dung lượng: 6 CD Cấu hình tối thiểu: P4 1,4GHz+, 256MB RAM, VGA 64MB GeForce 2 Ultra+, HDD 4GB, Windows 2K/XP Cấu hình đề nghị: P4 2GHz+ hoặc Athlon XP 2500+, 512MB RAM, VGA 128MB GeForce 6600+ Cấu hình thử nghiệm: AMD Athlon 64 3700+, RAM 1GB, 128MB GeForce 6600GT, MSI K8N Neo4
|
|