Cuộc đời huyền thoại Michel Platini
"Khi còn nhỏ, cha tôi đã nói rằng trái bóng luôn di chuyển nhanh hơn tôi chạy. Và tôi đã lắng nghe. Thay vì phải chạy, tôi buộc trái bóng làm theo ý muốn của mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một vận động viên".
Kỳ 1: Từ đường phố đến 3 Quả bóng vàng
TTO - "Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời, được thi đấu cho Nancy, St.Etienne, Juventus và dĩ nhiên là tuyển Pháp. Điều đó thậm chí còn tuyệt vời hơn khi tôi xuất thân từ làng Joeuf ở miền đông bắc nước Pháp.
Ngay cả khi ký hợp đồng với Nancy, cả tôi lẫn gia đình đều không nghĩ bóng đá sẽ là một nghề chuyên nghiệp. Tôi cảm thấy bản thân rất may mắn và những gì đã đạt được trong sự nghiệp, với tôi là rất to lớn".
Michel Platini với danh hiệu Quả bóng vàng thứ 3 trong sự nghiệp vào năm 1985
Hay nhờ bóng đá đường phố
Platini xuất thân trong một gia đình người Ý di cư sang Pháp. Ông nội của Platini đã rời Piemonte vào cuối thế chiến thứ nhất để đến Lothringen và làm nghề thợ gạch. Cha Michel Platini, ông Aldo Platini là một cựu cầu thủ và là một huấn luyện viên bóng đá. Chính ông Aldo là người đã có công khơi dậy những tiềm năng bóng đá của cậu con trai.
Có một điều ít ai biết rằng nguyên nhân khiến Platini có khả năng đi bóng uyển chuyển và mềm dẻo như một vũ công samba là do ông trưởng thành từ bóng đá đường phố. Chính nhờ những năm tháng rong ruổi ngoài đường, Platini mới có được sự thanh *** của một nghệ sĩ bóng đá, không như những người bạn đồng trang lứa bị khô cứng trong các học viện bóng đá từ quá sớm. Mãi đến năm 11 tuổi, tức là sau 6 năm chơi bóng ngoài đường, Platini mới gia nhập CLB bóng đá địa phương AS Joeuf.
Thật ra, Michel Platini không phát triển tài năng ở tuổi quá sớm. Như ông tâm sự mới đây: "Ở tuổi 17 tôi không được gọi vào đội tuyển quốc gia bởi vì tôi chưa hoàn thiện được hết các kỹ năng cần thiết". Đó là khi ông 17 tuổi. Mọi chuyện còn tệ hơn khi Michel Platini 14 tuổi.
Hành trình đến với Juventus
Nancy (1976-1979)
Năm 1969, khi đó mới 14 tuổi, Michel Platini đã có màn trình diễn tồi tệ tại một giải đấu dành cho cầu thủ trẻ. Không nản chí, Platini miệt mài tập luyển và đã phát triển rõ rệt sau 2 năm. Khi 16 tuổi, Platini đã chơi khá tốt trong màu áo đội trẻ của Jeouf trận gặp đội trẻ của Metz. Điều này gây ấn tượng với HLV của Metz.
Michel Platini trong màu áo Saint Etienne
Metz muốn ký hợp đồng với cầu thủ trẻ tài năng này nhưng một chấn thương đã ngăn Platini đến với Metz. Sau khi hết chấn thương, HLV của Metz đã chuyển đi nơi khác và vị HLV mới chưa muốn có một Platini còn non kinh nghiệm và kỹ thuật. Platini vẫn phải an phận tại Jeouf.
Rất khao khát được chơi cho Metz, CLB hâm mộ từ nhỏ của mình nhưng trong suốt sự nghiệp, Platini chưa bao giờ có được diễm phúc này. Duyên số không cho phép Platini được khoác áo đội bóng mơ ước. Platini không thể vượt qua được kỳ kiểm tra sức khỏe cuối cùng khi mọi thủ tục chuyển nhượng về Metz đã xong xuôi. Lần này bác sĩ của Metz chê dung tích phổi của Platini nhỏ, gặp trục trặc về đường thở và tim yếu.
Tháng 9 năm 1972, khi 17 tuổi, Platini gia nhập đội hình dự bị của Nancy và ngay lập tức chứng tỏ được giá trị của bản thân. Với thành tích ấn tượng, Platini ngay lập tức được đôn lên đội hình một. Tuy nhiên hoa hồng vẫn chưa đến với Michel Platini. Trong trận đấu đầu tiên ở đội hình một, Platini được vào sân từ băng ghế dự bị trong trận gặp Valenciennes và bị nhận rất nhiều vật thể lạ ném từ khán đài. Mọi chuyện chưa dừng ở đó, vài ngày sau, trong trận đấu ở đội hình hai, Platini bị một cú vào bóng ác ý dẫn đến chấn thương mắt cá khá nặng.
Và cuộc sống của ông gắn với giường bệnh. Mãi đến ngày 3-5-1973, Platini mới được ra sân trở lại trong trận gặp Nimes, lần này ông được ra sân ngay từ đầu. Thi đấu chưa đầy tròn năm, chấn thương chân vẫn còn nóng mới thì Platini nhận tiếp một chấn thương gãy tay khiến ông phải nghỉ thi đấu cho đến hết mùa bóng.
Có thể nói đây là bước ngoặt trong cuộc đời bóng đá của Platini. Trở lại sau chấn thương, Platini trở thành cầu thủ quan trọng nhất của Nancy trong mùa bóng 1973-1974, ghi được 17 bàn thắng mà rất nhiều trong số đó là từ pha đá phạt trực tiếp, giúp Nancy vô địch giải hạng nhì, thăng hạng nhất.
Vừa đưa Nancy trở lại giải hạng nhất, Platini nhận giấy báo quân dịch vì vậy số trận ông góp sức cho Nancy giảm hẳn. Dù không thi đấu tốt ở giải vô địch quốc gia nhưng Nancy đã gây tiếng vang ở Cúp QG Pháp. Tại Joinville, trại quân sự của các vận động viên Pháp,Michel Platini gặp gỡ 2 đồng đội tại Nancy là Olivier Rouyer và Jean-Michel Moutier cùng với Maxime Bossis, người sau này là đồng đội của Platini trong tuyển Pháp.
http://Cho tới nay Platini là cầu thủ duy nhất 3 lần liên tiếp đoạt được Quả bóng vàng châu Âu trong 3 năm 1983, 1984 và 1985 khi thi đấu cho Juventus
Với sự góp mặt xuất sắc của Platini, Nancy đã gây bất ngờ ở giải đấu này khi loại St.Etienne bằng 2 bàn thắng của ông nhưng rồi sau đó thất bại thảm hại 1-4 trước Marseille ở bán kết (bàn thắng duy nhất của Nancy do Platini ghi được từ một pha đánh đầu).
Năm 1976, Platini tham dự Olympic Montreal nhưng không đạt được thành tích gì đáng kể. Và cũng trong năm này, Platini đã ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp với Nancy, kéo dài hai năm. Cuối cùng thì chức vô địch cũng đến với Michel Platini. Trong năm cuối cùng khoác áo Nancy, ông đã đưa CLB đến chiếc Cúp QG Pháp bằng bàn thắng duy nhất trong trận chung kết gặp Nice.
Saint Etienne (1979-1982)
Sau khi hết hợp đồng với Nancy, Inter Milan, St.Etienne và Paris Saint German đều lao vào cuộc đua giành chữ ký của Platini. Ngay cả Nancy cũng không muốn Platini ra đi. Cuối cùng Platini ký hợp đồng kéo dài 3 năm với St.Etienne, CLB tha thiết muốn có Platini nhất.
Platini được St.Etienne rước về với kỳ vọng sẽ lập lại được thành tích của đội bóng trong mùa 1976 khi lọt vào chung kết cúp C1 châu Âu. Tuy nhiên có thể nói Platini đã làm thất vọng St.Etienne khi chỉ giúp CLB một lần vô địch quốc gia Pháp cùng với hai lần lọt vào chung kết Cúp QG Pháp trong hai năm liên tiếp 1981 và 1982. Trận chung kết năm 1981, St.Etienne thua Bastia còn năm 1982 St.Etienne thua Paris Saint German. Và đó là lần cuối cùng ông thi đấu cho một CLB Pháp.
Juventus (1982-1987)
Có thể nói sự nghiệp của Platini phát triển rực rỡ nhất là dưới màu áo Juventus. Tuy nhiên ít ai biết được rằng khi mới đến Bà Đầm Già, các cầu thủ nước ngoài mà trong đó có Platini đã chịu sự tỵ nạnh và chén ép của những ngôi sao trong nước.
Năm 1982 Ý vô địch World Cup và dĩ nhiên trong đội hình của Juventus, hầu hết là những nhà vô địch thế giới. Lạ nước lạ cái, chưa thích nghi với lối chơi cũng như cuộc sống mới, Platini đã thi đấu khá tệ trong mùa bóng đầu tiên và trở thành mục tiêu chỉ trích của báo chí Ý. Dưới quá nhiều sức ép, thậm chí Platini đã định rời khỏi Juventus vào mùa đông năm ấy, tức là chưa đầy 6 tháng chơi cho Bà Đầm Già.
Hai huyền thoại của bóng đá thế giới: Diego Maradona (trái) và Michel Platini (phải)
Nhưng Platini đã ở lại, hợp cùng tiền đạo người Ba Lan Boniek, tạo thành thế lực ngôi sao nước ngoài và tạo một cuộc cách mạng buộc Juventus phải thay đổi lối chơi. Kết quả là Juventus giành chiếc Cúp QG và lọt vào chung kết cúp C1. Sau này ai cũng biết đó chỉ là phần mở bài của một bài luận văn đầy ắp những danh hiệu mà Platini viết nên mà đáng kể nhất là 3 Quả bóng vàng châu Âu liên tiếp.
Đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Platini có lẽ không phải là chức vô địch Euro 1984 mà là trận chung kết cúp C1 châu Âu tại Brussel Bỉ. Trong cuộc ẩu đả giữa cổ động viên Juventus và Liverpool trước trận đấu trên sân Heysel, nơi không đáp ứng tốt các điều kiện an toàn, một bức tường đã sập xuống làm 39 cổ động viên chết, sáu trăm người bị thương. Trận đấu không bị hoãn lại mà chỉ thi đấu muộn với bàn thắng duy nhất ghi được từ cú sút phạt đền thành bàn của Platini. Người tạo ra quả phạt đền không ai khác là Boniek.
Rất vui mừng khi đoạt được Cúp C1 đầu tiên trong lịch sử nhưng các cầu thủ Juventus đã bị chỉ trích rằng đã ăn mừng trên xương máu của các cổ động viên. Nói về cảm giác thi đấu tại thảm họa Heysel, Platini cho biết: "Năm 1985, tại sân Heysel Stadium ở Brussel, họ đã cho trận đấu tiếp tục và tôi nghĩ tốt hơn là làm như vậy. Đối với những người xem trận đấu qua truyền hình, họ không hiểu được tại sao chúng tôi còn tâm trạng để thi đấu. Tại sao ư? Bởi vì chúng tôi không biết đã xảy ra một thảm họa trên sân vận động. Chúng tôi được đưa vào phòng thay đồ khi nhận lệnh trận đấu sẽ tạm hoãn. Chúng tôi chỉ biết được sự thật khi hôm sau, về nhà và giở báo ra đọc".
Đội tuyển Pháp 6 năm đầu thập niên 80 là một ông kẹ của làng bóng đá thế giới. Người hâm mộ luôn nhớ về đội tuyển Pháp thời kỳ ấy với bộ tứ tiền vệ Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luiz Fernandez. Trong đó Platini được mệnh danh là nhạc trưởng của bộ tứ tấu.